Khốn khổ vì bị cô em chồng "tiểu thư" hành

Nhưng cứ nghĩ tới cô em chồng là lòng Hạnh căng như dây đàn sắp đứt.
    Đàn bà lấy chồng hay than khổ về nhà chồng. Mẹ chồng Hạnh không hiền nhưng cũng chưa đến mức quá quắt, Hạnh có thể nhẫn nhịn sống chung. Nhưng cứ nghĩ tới cô em chồng là lòng Hạnh căng như dây đàn sắp đứt.
     
    Tiếng chì tiếng bấc giữa hai vợ chồng Hạnh cũng nguồn cơn từ em chồng, các cụ nói đâu sai, giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng. Em chồng kém Hạnh một tuổi, xinh, thời trang, sành điệu, làm PG cho một hãng mỹ phẩm. Ngay lần đầu chồng dẫn Hạnh về ra mắt, bằng cảm tính phụ nữ Hạnh đã nhận ra em chồng nhìn cô bằng ánh mắt không nhiều thiện cảm, có lẽ bởi phong cách ăn mặc giản dị, xuề xòa của cô. Sau bữa cơm, cả nhà ngồi quây quần bên bàn uống nước ăn hoa quả tráng miệng thì em chồng xoay tròn đĩa hoa quả thản nhiên nói: "Chị nên đi học lớp nữ công gia chánh trước khi lấy chồng để biết trang trí hoa quả sao cho tinh tế, đẹp mắt". Hạnh ngồi lặng im giấu nỗi ngại ngùng xấu hổ trong đôi bàn tay líu ríu đan.
    em-chong
    Ảnh minh họa
    Hạnh chủ động nói chuyện, gần gũi em chồng, nhưng em chồng luôn giữ thái độ xa cách dửng dưng rất khó gần bảo: "Không cần phải lấy lòng, cứ sống tự nhiên thôi, em có trả cát-xê đâu mà chị phải diễn". Thi thoảng, không biết do vô tâm hay cố ý muốn làm Hạnh đau lòng, mà em chồng sau đôi ba câu chuyện bâng quơ kể về người yêu cũ của anh trai xong thì hỏi: "Anh có nói vì sao yêu chị không? Chị đâu phải mẫu người phụ nữ anh ấy thích, chị lại là người kém sắc nhất". Lời em chồng nói như xát muối vào lòng Hạnh.
     
    Đến khi Hạnh về làm dâu trong nhà, sống chung với em chồng thì những va chạm hàng ngày mới dẫn cô đến sự cùng cực mệt mỏi. Em chồng quen được bố mẹ với anh trai nuông chiều từ nhỏ, nên con nhà dân mà em chồng sống và nghĩ mình là tiểu thư khuê các. Để giữ gìn đôi tay mượt mà, thon thả, với bộ móng được sơn cắt tỉa kỳ công thì công việc nhà từ quyét nhà rửa bát, đến giặt giũ, nấu nướng em chồng phó mặc cho mẹ làm hết, sau Hạnh làm dâu thì công việc đó đã mặc nhiên được san sẻ sang cho Hạnh gánh vác.
     
    Đi làm mệt mỏi, áp lực việc cơ quan, về nhà tất bật lo cơm tối gia đình, rồi giặt giũ, thu dọn làm Hạnh kiệt sức. Em chồng thì bình thản ngồi chơi ipad, xem tivi. Nhiều hôm em chồng đi chơi về muộn, ăn sau nhưng lại vô ý thức vứt chình ình bát đũa bẩn vào bồn rửa, ngúng nguẩy vào nhà chơi. Hạnh những lúc ấy nhìn ngứa mắt, chỉ muốn kéo tay em chồng lại mà mắng rằng: "Ăn xong tự dọn đi, vứt đây đợi ai, tôi không phải osin trong nhà". Thế nhưng rồi Hạnh lại nín nhịn. Em chồng sống tự do, bừa bộn. Vì không ngăn nắp nên em hay bực bội cáu gắt khi mất thời gian bới tung nhà lên tìm món đồ cần. Nhà chật chội, nhưng chưa bao giờ cô em có ý thức giữ gìn mọi thứ sạch sẽ, quần áo bẩn quăng quật nhiều nơi, vỏ hoa quả, vỏ kẹo bày bừa trên giường. Mẹ chồng chiều con gái, nên bao năm vẫn theo sau dọn dẹp. Nhiều lúc nhìn cảnh ấy, Hạnh không khỏi tức, ngậm ngùi trong lòng. Hạnh kể với chồng, thì chồng bảo: "Tính nó thế rồi, kệ nó. Nó ở nhà sướng được mấy năm nữa đâu, lấy chồng nó khắc biết thay đổi, em đừng để ý chấp nhữngviệc nhỏ nhặt ấy, ích kỷ lắm". Chồng không hiểu, gia đình mâu thuẫn hay hạnh phúc thường chẳng phải bắt đầu từ những việc to tát, mà là từ những việc anh luôn miệng gọi là nhỏ nhặt ấy.
     
    Sáng sớm Hạnh phải đi chợ, rồi vội vàng cuống cuồng chuẩn bị đi làm, còn em chồng cứ nằm ườn trên giường mà ngủ hoặc chơi tới gần trưa. Thế nhưng, nhỡ Hạnh gây ra tiếng động mạnh, hoặc quên đóng cửa để ánh sáng chiếu vào phòng, là em chồng vùng vằng tức tối quát to trống không với Hạnh một cách hỗn hào "Làm gì cũng vô ý tứ, định phá không cho ai ngủ à". Công việc PG của em chồng không theo giờ hành chính, thường là 11 giờ trưa cô em mới qua các nhà hàng đi làm, thế là sáng nào Hạnh cũng phải rón ra rón rén, khổ nỗi nhà chật chội, nhiều khi đâu tránh được va chỗ này, đụng chỗ kia.
     
    Lương cao gấp 2, 3 lần lương Hạnh, nên hàng tháng em chồng đưa cho mẹ gần chục triệu chi tiêu. Khi biết số tiền Hạnh đưa cho mẹ chồng đóng góp vào tiền sống, tiền chợ tháng thì nó bĩu môi bảo: "Chị đừng sống hà tiện quá, phải sống cho thoáng vào, nghĩ nhà chồng như nhà mình ấy, đừng lúc nào cũng trong tâm thế sống chung nhà mà coi nhà chồng như người dưng nướclã…". Nhìn cái miệng ngoa ngoắt của em chồng, Hạnh chỉ muốn tát cho nó một cái rồi bảo: "Mày cứ lấy chồng đi rồi sẽ hiểu cuộc sống là như thế nào". Nhưng rồi Hạnh kiềm chế, bởi Hạnh không muốn mọi chuyện ồn ào, đổ vỡ khi mối quan hệ của Hạnh với em chồng vốn dĩ đã chẳng tốt đẹp.
     
    Hôm qua, em chồng bỏ Ipad trên giường, Hạnh cầm lên chơi, vô tình thấy đoạn chát giữa em chồng với Hà - cô người yêu cũ của chồng trên facebook. Đã mấy lần Hạnh nghe em chồng nhắc đến Hà bằng cái giọng xỉa xói bóng gió với mẹ chồng rằng: "Chị Hà giờ công việc ngon lắm, mẹ hụt mất cô con dâu vừa tài giỏi, vừa đẹp người, vừa đẹp nết. Anh khù khờ, có không biết giữ, đánh mất rồi tiếc cũng làm gì được". Giờ thì đang đập chình ình vào mắt Hạnh là những câu chữ nói xấu chị dâu của em chồng, nào là chê Hạnh xấu người, xấu cả nết ăn ở, và chốt lại chắc nịch bằng câu: "Anh trai em lấy chị dâu chắc chẳng phải vì yêu." Hạnh lặng người, không phải vì yêu thì là vì cái gì chứ? Sao em chồng có thể dùng nhiều lời đặt điều dối trá để kể về Hạnh vậy, lại còn kể với người yêu cũ của chồng Hạnh. Bao tức tối bực dọc trong lòng, tối Hạnh đem trút hết ra với chồng, những tưởng chồng hiểu thấu tình đạt lý mà nói chuyện dạy dỗ em gái mình, nào ngờ đâu chồng thủng thẳng buông câu: "Sao em lại tò mò lénlút xem trộm chuyện riêng tư của nó để tự mua bực bội vào người…".
     
    Nước mắt lăn dài, Hạnh cay đắng quá. Hạnh thấy mình thực sự cô độc lẻ loi, một mình một chiến tuyến giữa nhà chồng…

    Nguồn: tâm sự
    Share on Google Plus
    BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
      Blogger Comment
      Facebook Comment

    0 nhận xét :

    Đăng nhận xét