Bi hài chuyện chồng ở nhà làm bảo mẫu vợ đi kiếm tiền

Ngày trông con, đêm trông con, con khỏe trông, con ốm đương nhiên phải trông, tình cảm của hai cha con khăng khít, đi đâu cũng có nhau như hình với bóng.
Phụ nữ sinh con xong rồi ở nhà chăm con cho cứng cáp mới đi làm trở lại là chuyện hết sức bình thường. Bởi làm gì có ai chăm con cẩn thận bằng mẹ. Nhất là sau sinh, chuyện cho con bú, cho con ăn dặm, nấu nướng cho con đâu phải chuyện đơn giản. Chỉ có đàn bà ba đầu sáu tay thì mới làm được thôi. Chứ đàn ông vụng về có mà múa lên cả ngày cũng không ra cái hồn gì cả. Ấy thế mà chuyện T. ở nhà chăm con ngay sau khi vợ hết sáu tháng nghỉ đẻ lại là chuyện có thật.
Có lần, khi con nhà hàng xóm khóc đêm mà T. bật dậy miệng không ngừng kêu lên: À, ba đây, ba đây rồi con trai… Quơ sang bên cạnh thấy vợ đang nằm ngủ ngon lành T. mới ngớ người ra là đã cho con về với bà ngoại hôm trước. Nhưng cơn nhớ con quay quắt lại ập đến khiến T cứ trằn trọc cả đêm không ngủ được.
Ngày trước, có đêm tỉnh dậy, thấy thằng con quý tử vắt ngang cổ ba nằm ngủ, có hôm nó tiện thể cho luôn một bãi ấm ấm, nóng nóng trên cổ, trên ngực... Thế nên có đêm vợ ôm đặt tay lên ngực mà cứ ngỡ là thằng con, nửa tỉnh nửa thức, tay cứ vỗ vỗ vào tay vợ như là nựng mông con vậy. Rồi lại có hôm sáng ngủ dậy không thấy con đâu T hét lên: Thôi chết rồi, con đâu rồi hay rơi xuống đất rồi… Đến khi lao ra khỏi giường mới đần cái mặt ra…
Ảnh minh họa
 
Thật đúng là chẳng ai sướng như vợ T. Chỉ biết đi làm rồi về nhà ăn cơm, leo lên giường ngủ. Cha con T làm gì thì cũng mặc. Thằng con nhìn mẹ cũng như nhìn người dưng. Trừ khi nào thèm ti thì vào xin tí rồi ra với bố nó. Nhiều khi vợ T. trêu: Trời đất, hai cha con anh giống nhau như đúc. Không chỉ hình dáng mà cả cách đối xử với em cũng giống nhau.
Sở dĩ có chuyện chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm kiếm tiền là vì thế này. Hai vợ chồng T. lấy nhau khi còn khá trẻ. Nhưng nhà vợ T. có điều kiện nên ngay khi ra trường T. được bố xin cho một công việc khá tốt, lương bổng cao. Trong khi gặp T., cũng vừa mới ra trường vẫn đang lay lắt nay làm chỗ này mai làm chỗ khác. Nhưng yêu nhau là lấy nhau. Hai đứa vẫn đi làm như trước.
Chồng thì đi làm chỉ đủ tiền xăng xe, điện thoại và thỉnh thoảng nhậu với bạn bè. Còn cái gì trong nhà cũng là do vợ lo. Nếu hai vợ chồng thiếu thì ông bà ngoại lại giúp. Nhà chỉ có hai đứa con gái nên đằng ngoại nhà T. cũng rất cưng chiều con. Mà nói thật ra, tháng T. làm được vài triệu bạc cũng chỉ bằng vợ cố gắng làm thêm. Chính vì thế mà sau khi vợ sinh, T. cũng ở nhà chăm con luôn. Vì vợ cũng ít sữa cho con bú nên thằng bé vẫn phải ăn thêm sữa ngoài. Vì vậy cũng không dính mẹ quá. Sau ở nhà với bố lại còn gần như chả đoái hoài gì tới mẹ nữa.
Đúng là trời cho người này cái này thì hỏng cái kia. Vợ T. giỏi giang bao nhiêu trong việc kiếm tiền thì lại vụng về bấy nhiêu trong chuyện chăm sóc con. Hầu như thằng bé sinh ra đều do bà ngoại và chồng chăm sóc hết. Cho nên chỉ khi nào cho con bú thì vợ T mới phải bế con chút. Còn không thì bà ngoại hoặc chồng bế.
Cho nên hết sáu tháng, cả nhà thống nhất là vợ T. cứ đi làm, còn T. ở nhà chăm con, Khi nào con cứng cáp gửi được nhà trẻ thì gửi để đi làm cũng chưa muộn. Vì đằng nào công việc cũng chưa ổn định. Tính T. cũng không câu nệ quá nhiều cho nên cũng đồng ý ở nhà chăm con cho vợ đi làm. Mặc cho mọi người ai có nói gì thì nói. T. chỉ tặc lưỡi: Con mình thì mình chăm. Bố hay mẹ thì có quan trọng gì.
Nhưng quả thật T. vô cùng khéo léo. Sáng vợ chưa đi làm thì T. dậy sớm đi chợ búa, mua đủ đồ cho con để ăn dặm và nấu nướng cho cả ngày. Khi nào đồ của con hết là T. cũng chủ động tranh thủ đi siêu thị mua cho con. Còn vợ T. chỉ việc đi làm về, ăn ngủ rồi lại đi làm. Mọi người ở xóm trọ hay cười mà bảo: Nhà mày tao không biết đứa nào là đàn bà đứa nào là đàn ông. Thật là đảo ngược hết cả lên rồi. Mày ở nhà chăm con mà mày chịu được à?
T cũng chỉ cười cho qua. Đàn ông hay đàn bà thì cũng làm cha làm mẹ thôi. Chứ có phải là thánh đâu. Mà ai quy định đàn ông nhất nhất cứ phải đi kiếm tiền còn đàn bà cứ nhất nhất phải ở nhà chăm con. Ai kiếm được nhiều tiền thì đi kiếm thôi. Làm sao cho cuộc sống hợp lý là được.
Nhưng cái chuyện ông chồng sẵn sàng ở nhà chăm con cho vợ đi làm vì vợ có khả năng kiếm tiền nhiều hơn mình ở cái xứ này cứ như chuyện đàn ông mặc váy vậy. Chẳng lẽ khó coi và khó chấp nhận tới thế sao? Mỗi khi T. về nhà cũng vậy. Mẹ cứ thở ngắn thở dài: Mày là đàn ông hay là cái thằng đàn bà, nuôi mày bao nhiêu năm ăn học mà mày lấy vợ rồi ở nhà trông con. Thà tao đẻ đứa con gái còn hơn là đẻ mày. Nhục mặt mẹ. Rồi ông bà cha mẹ vợ mày nghĩ gì về mày chứ?
T cười: Ông bà ngoại khi nào cũng động viên con. Ông bà chả nói gì cả. Thậm chí bà ngoại còn bảo vợ con may mắn mới lấy được con đấy! Mẹ T lại thở dài: Nhưng mà tao chả thấy may mắn khi sinh ra mày đâu. Đồ đàn ông mà núp váy vợ, lấy tiền của vợ đi tiêu mà không biết nhục à?
Nhiều khi nhà có giỗ, có việc gì, T. muốn đóng góp cho bố mẹ, nhưng ông bà lại thở dài: Tiền của vợ mày chứ mày làm gì có tiền mà đóng mới chả góp, biếu mới chả xén. Tao không lấy. Tao mà lấy người ta cười vào mặt tao đấy. Thế là T. chỉ biết ngậm ngùi mà cất tiền đi. Khổ thế đấy. Cha mẹ ở quê, không thoáng như nhiều người. Ông bà vẫn quan niệm, đàn ông phải là trụ cột trong nhà, đàn ông phải kiếm nhiều tiền hơn vợ, thì mới là đàn ông. Còn con cái là chuyện của đàn bà. Chứ làm gì có cái chuyện đàn ông ở nhà chăm con, cơm nước, cho con suốt ngày, tối thì nấu cơm chờ vợ về ăn. Thế thì còn ra cái thể thống cống rãnh gì nữa!!
Không chỉ có bố mẹ T cả đám bạn bè cũng thế. Thỉnh thoảng T lên mạng vào Face xem bạn bè thế nào, đứa nào cũng hỏi dạo này mày làm gì mà mất tăm mất tích như thế. T cười bảo: Tao ở nhà chăm con thôi. Có đứa cười khâng khấc bảo: Mày làm bảo mẫu à? T đáp: Ừ. Thằng bạn lại cười: Mày đùa tao à? T thở dài đáp: Ừ! Mọi người xung quanh nói ra nói vào. Nhiều khi T cũng thấy phiền lòng.
Nhưng cứ về nhà, nhìn thằng con mắt hấp háy nhìn bố, như thể con người ta nhìn thấy mẹ về khi mà cơn nghiện sữa đã lên tới cao trào mà lòng lại thấy nhộn nhạo vui lây. Bao nhiêu buồn phiền lại quên hết. Lại ôm thằng con, thơm vào cái má hây hây mùi sữa mà thấy vì con cái gì bố cũng làm được hết. Ai nói gì kệ người ta. Cái gì cũng có giá của nó hết mà.
Thế nên, ngày trông con, đêm trông con, con khỏe trông con, con ốm cũng bên con, tình cảm của hai cha con khăng khít, đi đâu cũng có nhau như hình với bóng. Còn mẹ thì cứ như bạn của bố chỉ tối mới đến chơi nhà vậy. Thằng bé cũng chỉ ậm ừ xã giao cho qua. Mà chính thế nhiều khi mẹ cũng tẽn tò. Khách khứa tới nhà chơi, ai lại con cứ bò vào chỗ bố, mẹ đụng vào bế ra chỗ khác là giãy đành đạch đấm đá loạn xạ không theo. Ai cũng cười: Nhà này thằng cu quấn bố nhể. Thế này thì sớm có thằng nhậu cùng rồi. Mẹ thả thằng con ra, thế là mặt mũi tớn tác hớn hở bò ra chỗ bố ôm ấp đến là ngọt ngào. Ai nhìn cũng thấy đáng yêu. Còn ông bố trẻ thì nở mày nở mặt với vợ mấy thằng bạn tới chơi quá thể.
Vì thế, nhiều khi vợ cũng giận dỗi, bảo con mà không theo mẹ. Nhưng hai ngày cuối tuần mà để hai mẹ con với nhau không thì chỉ có nước khóc. Chỉ cho con ăn cũng không xong. Vừa thấy chồng về là vợ T. trả ngay: Thôi đấy, em trả con anh. Em mệt lắm. Không chịu nổi. Một ngày ở nhà trông con còn mệt gấp mấy lần đi làm. Vợ T. cũng biết thế nên cũng ngoan ngoãn, chứ không có cái kiểu ta đây làm ra tiền mà vênh mặt với chồng. Thôi thì thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Người ngoài có bảo hâm bảo dở thì cũng đành chịu thôi. Chỉ cần thằng con coi mình là thiên thần là đủ rồi. T. hay cười bảo vợ: Thể nào khi nhóc tập nói, tập hát cũng phải dạy nó bài: “Bố là tất cả” mới được.
Nguồn thuộc kênh tâm sự
Share on Google Plus
BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét