Hầu hết những người dự buổi đoàn tụ giữa hai miền Hàn - Triều đều trên 80 tuổi và mong ước cuối cùng là nhìn thấy người thân trước khi nhắm mắt...
Gần 400 người Hàn Quốc đang chờ cuộc đoàn tụ với người thân ly tán ngày 20/10 tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương, Triều Tiên. Họ chuẩn bị những vật dụng cần thiết như thuốc men, áo khoác và tiền để làm quà tặng.
Chương trình hội ngộ các gia đình ly tán giữa hai miền diễn ra từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để gặp người thân đối với những cụ trên 80 tuổi.
Mong ước trước khi nhắm mắt
Cụ ông Kim Wu Jong, 87 tuổi, sống một mình trong một căn nhà nhỏ tại thành phố Seoul. Cụ Kim cảm thấy cụ là người may mắn nhất Hàn Quốc bởi trong tuần này, cụ sẽ gặp lại người em gái xa cách lâu năm.
"Tôi không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của mình. Nó còn tuyệt vời hơn cả việc trúng giải độc đắc", cụ Kim nói với AP trong một cuộc phỏng vấn tại nhà.
Cùng cảm xúc với cụ Kim, bà Lee Pill Soom, 69 tuổi, chia sẻ: "Thật khó có thể tưởng tượng rằng chúng tôi sắp gặp lại ông ấy". Bà lão 69 tuổi cho biết, bà cùng 4 người anh chị em khác sẽ tới miền bắc để đoàn tụ với người anh cả của họ là Lee Byong Yong, 86 tuổi.
"Tôi sẽ nhận ra ngay khi tôi nhìn thấy ông ấy. Tôi sẽ ôm và gọi ông ấy một tiếng 'anh'", bà Lee Pill Soom nói khi đang ngồi với những người anh chị em khác trong một quán cafe tại một khu nghỉ dưỡng trên núi ở thành phố Sokcho, cách ranh giới chia cắt các gia đình khoảng 48 km.
Chiến tranh Triều Tiên xảy ra vào năm 1950 dẫn đến việc chia cắt giữa hai miền vì sự chiếm đóng tạm thời của Liên Xô và Mỹ. Ngày 27/7/1953, cuộc chiến kết thúc khi hai miền đạt được một thoả hiệp ngừng bắn.
Do hai bên không ký hiệp định hoà bình nên các cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn diễn ra. Hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục ở trong tình trạng chiến tranh và có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến.
Nhiều gia đình bị ly tán và mất liên lạc với nhau kể từ khi đó. Chính phủ hai miền cấm công dân của họ liên lạc và trao đổi thư từ.
Theo Washington Post, gần 130.000 người Hàn Quốc nộp đơn thông qua Hội Chữ thập đỏ xin đoàn tụ với người thân ở miền bắc kể từ khi chương trình hội ngộ bắt đầu vào năm 1988. Khoảng một nửa trong số những người nộp đơn đã qua đời. Hiện nay, phần lớn những người còn sống đều trên 80 tuổi. Mong ước của họ là nhìn thấy người thân trước khi nhắm mắt.
Trong khi đó, tại Triều Tiên, chỉ những công dân trung thành nhất mới có thể tham gia buổi hội ngộ.
Những quy tắc "thép"
Hai nước thường xuyên tổ chức các cuộc đoàn tụ trong suốt những năm đầu thế kỷ 21, khi Hàn Quốc áp dụng "chính sách ánh dương". Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những dịp như thế này trở nên rời rạc hơn và biến thành con bài mặc cả trong đối sách của hai nước.
Cuộc đoàn tụ lần này diễn ra trong hai đợt: từ ngày 20 đến 22/10 và từ hôm 24 đến 26/10. Chúng là kết quả của một thoả thuận hồi tháng 8, sau một loạt xung đột diễn ra giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.
Toàn bộ cuộc đoàn tụ tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt như phải mặc quần áo nghiêm túc; không yêu bàn về chính trị; không nói về cực khổ trong cuộc sống; không yêu cầu đưa người thân đến Hàn Quốc; không nói "Triều Tiên"và "Hàn Quốc" mà phải nói là "miền bắc" và "miền nam".
Người Hàn Quốc được phép tặng quà cho người thân. Những món quà thường là quần áo, quà lưu niệm và những thứ giúp tăng cường sức khoẻ. Đồ điện tử, sách, đồng hồ đắt tiền và đồ cũ đều bị cấm.
Món quà bất ngờ
Cuộc đoàn tụ lần này sẽ là món quà sinh nhật tuyệt với nhất đối với cụ Lee Cha Sook, người sẽ bước sang tuổi 80 vào ngày 25/10. Gia đình ông không đăng ký cuộc hội ngộ bởi họ cho rằng anh trai Lee Byong Yong đã qua đời. Tuy nhiên, hồi tháng trước, chính quyền tại nơi họ sống gọi điện thông báo người anh cả của họ đã đăng ký cuộc đoàn tụ.
"Sau khi nghe thấy tên của ông ấy, tôi bật khóc", cụ Lee Cha Sook nói.
"Mẹ của chúng tôi rất nghiêm khắc nhưng anh của chúng tôi thì ngược lại. Anh ấy luôn hiền hoà và rất yêu thương chúng tôi", Lee Song Yong, 74 tuổi, chia sẻ.
Gia đình Lee cho biết, họ chuẩn bị 1.500 USD cùng với áo khoác, tất và kem đánh răng cho anh trai của họ.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cuộc hội ngộ với người họ hàng, Kang Jong Gu, 80 tuổi, và em gái Kang Yong Ok, 75 tuổi, đã làm một cuốn album ảnh gia đình.
Lần cuối cùng bà Kang Yong Ok gặp cô em họ Kang Yong Suk là vào tháng 7/1950, khi chiến tranh Triều Tiên bắt đầu.
"Cô ấy chắc đã thay đổi rất nhiều", bà Kang nói khi người anh xếp mứt vào túi. Họ chuẩn bị cafe, cao dán và hồng sấy của quê nhà để cho người em thất lạc.
"65 năm đã trôi qua. Tôi không biết chúng tôi sẽ nói gì", bà Kang nói.
Nguồn: tintuc.vn
0 nhận xét :
Đăng nhận xét