Thời trang đôi khi cứ như một con xúc xắc, người nắm trong tay chưa hẳn đã là người làm chủ.
Với tôi thời trang đồng nghĩa với cái đẹp. Mà cái đẹp là cảm nhận riêng của mỗi người, nên đừng bắt nó đi theo quy tắc, tiêu chuẩn nào cả.
Đừng nghĩ rằng cô kia không dùng hàng hiệu thì chưa thể gọi là "thời trang", hay cô này trông cũng được đấy, nhưng tóc để không hợp mốt, màu son thì là của thế kỷ nào rồi, nên nhất định không thể gọi là "thời trang" được.
Tôi lại không nghĩ thời trang cần đến nhiều nhà thẩm định đến vậy! Cứ việc nhìn, cứ việc thưởng thức. Đẹp thì hoanh nghênh, chưa vừa ý thì đi qua, vậy thôi!
Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới không thể nói thích là thích, đẹp là đẹp. Nên thời trang đôi khi cứ như một con xúc xắc, người nắm trong tay chưa hẳn đã là người làm chủ.
Tiêu chuẩn để được gọi là "thời trang", là "đẹp" thì nhiều vô kể. Chúng cũng thay đổi theo mùa, đỏng đảnh hơn cả tính nết con gái và đôi lúc cũng lạnh lùng hệt các anh con trai. Và một trong những tiêu chuẩn đó là "thật" và "nhái", hay giới mê mua sắm, yêu thời trang quen gọi là "fake" và "auth".
Lịch sử ngành giải trí, thế giới hào nhoáng của những người nổi tiếng, giàu có và cũng là nơi tiêu thụ đồ hiệu bậc nhất, đã không ít lần chứng kiến những câu chuyện bẽ bàng về cô này, cô nọ dùng hàng nhái mà vẫn ung dung coi đó là hàng thật.
Và kết quả, dù món hàng nhái kia có giống, có đẹp, thậm chí có đắt ngang ngửa hay chỉ kém vài ngàn đô so với đồ thật, thì hàng nhái cũng vẫn là hàng nhái, và bị lên án không cần thương tiếc, bất kể chủ nhân có là phạm nhân hay nạn nhân của một vụ mua bán không minh bạch nguồn gốc.
Song có lẽ trong thế giới rộng lớn này còn vài người dễ tính giống tôi, nên dịp gần đây, một chiếc túi cực kỳ dễ thương của thương hiệu châu Á nọ được dịp chễm trệ trên tay các người đẹp tôn sùng hàng hiệu.
Nói chiếc túi đó là hàng "chợ" thì không hẳn, bởi với mức giá vài ba trăm đô, nó chưa hẳn là "rẻ giật mình". Nhưng nói đó là "hiệu" thì càng khó phân định. Bởi ai cũng nhận thấy mẫu mã chiếc túi ấy về cơ bản không khác mấy một chiếc túi nổi đình đám bao năm nay của một thương hiệu xa xỉ.
Điểm khác biệt và có chăng cũng là điểm thu hút các con nghiện thời trang là ở chi tiết đôi mắt long lanh, đính kim sa màu mè nổi bật trên thân túi. Không chính thức thừa nhận nhưng cũng không phủ nhận là hàng nhái lại, hãng thời trang đang ăn nên làm ra kia rất vô tư coi đó là một trò vui và để người tiêu dùng tự cảm nhận, bằng câu slogan "Fake for fun" (Nhái cho vui).
Chắc chắn những cô nàng sành điệu trên phố cho tới những tín đồ của hàng hiệu là các ngôi sao đều biết mười mươi ấy là hàng "bắt chước", nhưng có lẽ vì đẹp quá, vì lạ quá nên không ai ngại sắm một đôi chiếc và khoe lên "phây" cả.
Thế mới biết, thời trang đôi khi cũng cứng đầu và thích bất chấp mọi quy tắc như những cô cậu đang lớn. Thích là làm, thích là mặc, đâu cần biết ai nghĩ thế nào và thật giả ra sao?
Và những người "làm" thời trang, những người đứng ở bậc cao của việc định hình xu hướng và quyết định sự xấu đẹp, đắt rẻ của mỗi món đồ, xin hãy một lần thả lỏng cơ thể, lắng nghe và nhìn ra thế giới rộng lớn đầy sắc màu, để thấy mọi thứ thật đẹp và lãng mạn, dẫu chẳng cần đến những quy tắc cứng nhắc hay thứ hàng hiệu đắt đỏ nào.
Nguồn: thoi trang tre
0 nhận xét :
Đăng nhận xét